Panda Education

Thông tin chi tiết về Panda Education

Du học sinh Việt tại Mỹ khuyên nhau 'từ từ hãy về'

Chuyến bay về Việt Nam hôm 22/3 bị hủy, Nguyễn Quỳnh, 24 tuổi quyết định ở lại Mỹ, lập nhóm kết nối phụ huynh, du học sinh nhằm hỗ trợ nhau.


Không ngủ 24 giờ qua, Nguyễn Quỳnh, sinh viên năm ba của một trường đại học tại bang Indiana, liên tục cầm điện thoại kiểm tra toàn bộ bài đăng, đọc hết tin nhắn ở các nhóm do em lập ra trên Facebook. Những nhóm này gồm du học sinh đã đặt vé về Việt Nam nhưng bị hủy chuyến, mắc kẹt ở một thành phố xa lạ, phụ huynh của các bạn bị kẹt, phụ huynh có con du học Mỹ, người Việt ở Mỹ và cả người Việt đi du lịch nhưng chưa thể trở về do ảnh hưởng của Covid-19.


Vừa đọc tin nhắn, Quỳnh vừa theo dõi website của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và cơ quan chức năng ở Việt Nam để cập nhật tình hình. Hễ có thông báo mới, em lại đăng tải để mọi người cùng theo dõi.


Quỳnh cũng hỗ trợ lên danh sách du học sinh hiện còn ở Mỹ nhưng có nguyện vọng về nước với lý do bất khả kháng để chuyển tới Đại sứ quán theo thông báo của cơ quan này; thu thập thông tin những bạn bị mắc kẹt tại các thành phố của Mỹ như San Francisco (bang California) để gửi tới những người đang sống ở bang đó, nhờ tìm người hỗ trợ chỗ ăn ở và phòng dịch hiệu quả.


Những việc làm này đều do Quỳnh tự nguyện. Sau chuyến bay bị hủy, mắc kẹt ở sân bay nhiều giờ, Quỳnh hiểu khó khăn du học sinh Việt đang phải trải qua.


Quỳnh chia sẻ đã đắn đo ở lại Mỹ hay về suốt thời gian qua. Học ở bang Indiana, hiện Quỳnh thực tập tại thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania). Vì vậy, em phải thuê trọ cùng vài bạn khác. Ở trong nhà rất an toàn, nhưng khi ra ngoài mua thức ăn, em bị kỳ thị do đeo khẩu trang và là người châu Á. Quỳnh lo nếu nhiễm nCoV, không biết có được nhập viện hay không.


Quỳnh biết nhiều trường hợp có triệu chứng nhiễm nCoV chỉ bị yêu cầu tự cách ly chứ không được xét nghiệm hay cách ly tập trung. "Người Mỹ còn như vậy, em là người nước ngoài liệu có thể dám chắc được gì khi mình bị nặng", Quỳnh nói. Gia đình thống nhất để Quỳnh về Việt Nam, thực hiện đúng quy định cách ly vì "đó là lựa chọn an tâm nhất".


Tối 19/3, Quỳnh mua vé về Việt Nam với lịch trình Philadelphia - Dallas - Tokyo - TP HCM. Khi bay tới Dallas (bang Texas) hôm 22/3, hãng hàng không thông báo chuyến bay từ Tokyo tới TP HCM bị hủy. Dù đã liên hệ và được đại sứ quán giúp đỡ, Quỳnh vẫn không thể về nước theo đúng lịch trình.


Mắc kẹt ở sân bay 6 tiếng, Quỳnh nói chuyện với các du học sinh rơi vào hoàn cảnh như em. Rất nhiều bạn không còn chỗ ở do ký túc xá đóng cửa. Nhiều trường tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế ở lại, nhưng khuyến khích rời trường vì nếu bang ra lệnh phong tỏa, trường sẽ không hỗ trợ ăn uống được nữa.


Với một số sinh viên các trường ở vùng ngoại ô như Quỳnh, không có phương tiện cá nhân, siêu thị ở rất xa, nếu thành phố bị phong tỏa, du học sinh sẽ không biết mua đồ ăn thế nào. Có bạn bảo hiểm không hỗ trợ chi phí kiểm tra và kiểm dịch, ở lại lỡ nhiễm bệnh không biết sẽ ra sao. Có người đi du lịch bị mắc kẹt do dịch và rất nhiều trường hợp khác, ai cũng tha thiết được về nhà.


May mắn có người quen ở bang Texas, Quỳnh qua ở nhờ. Nghĩ đến những câu chuyện ở sân bay, Quỳnh không thể ngủ yên. "Em lo cho các bạn, đặc biệt học sinh THPT hay sinh viên mới qua năm đầu. Cuối cùng, em nghĩ cách lập một nhóm để mọi người thông tin, giúp đỡ nhau", Quỳnh nói.


Từ thông tin mọi người chia sẻ ở sân bay, Quỳnh nhắn tin cho từng người xin Facebook rồi tạo nhóm. Sau đó, em tìm kiếm một số phụ huynh trên nhóm của hội phụ huynh có con du học Mỹ và thêm vào. Người này thêm người kia, nguồn hỗ trợ rất nhiều và tất cả đều nắm thông tin cùng lúc. Ngoài cập nhật thông tin các chuyến bay, cách liên hệ đại sứ quán các nước, nhiều người chủ động tìm nhà hỗ trợ các em ăn ở và phòng chống dịch.


"Số ca nhiễm ở Việt Nam tăng nhanh, Chính phủ đang oằn mình hỗ trợ. Các khu cách ly dần quá tải. Du học sinh về, chỗ cách ly chưa được sắp xếp sẽ gây áp lực lớn cho nhà nước và các bạn. Chưa kể, chuyến bay bị hoãn, hủy, nhỡ không may bị kẹt ở đất nước khác, phải lang thang ở sân bay sẽ rất nguy hiểm", Quỳnh nói.


Nữ sinh kêu gọi các bạn "từ từ hãy về" và được phụ huynh, du học sinh khác ủng hộ. Lãnh sự quán và đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cũng chung sức hỗ trợ thuê nhà cho những bạn bị kẹt ở sân bay. Tin nhắn cập nhật không ngừng bất kể ngày hay đêm. Những du học sinh từ không quen biết nhau bỗng trở nên thân thiết. Từ tên nhóm "Hội mắc kẹt", có người đề xuất đổi thành "Hội ở lại".


Một du học sinh viết: "Chúng con cảm ơn rất nhiều. Không phải bố mẹ ruột nhưng cô, chú vẫn lo lắng cho chúng con và các bạn bị kẹt như con mình. Cô chú đã giúp chúng con yên tâm". Một phụ huynh đáp lại: "Mấy ngày qua thật đặc biệt trong cuộc đời mỗi người, chúng ta đã là một đại gia đình, cùng nhau bước tiếp nhé". Có phụ huynh còn chia sẻ cách làm nước chanh, gừng, mật ong để uống mỗi sáng giúp tăng sức đề kháng.


Quỳnh rất vui vì nhóm do em lập ra đã kết nối được mọi người. Nữ sinh hy vọng những bạn đang bị mắc kẹt, gặp khó khăn về chỗ ở, ăn uống và phòng dịch ở bất kỳ đâu trên nước Mỹ có thể tìm tới nhóm để được mọi người hỗ trợ kịp thời. Em cũng mong du học sinh không liều lĩnh ra sân bay thời điểm này bởi nhiều nước đang đóng cửa, nhiều chuyến bay bị hủy vào phút chót.


"Khi dịch trong nước bớt căng thẳng, khu cách ly không bị quá tải, em hy vọng những trường hợp bất khả kháng phải về nước sẽ được hỗ trợ", Quỳnh nói.


Hiện Việt Nam có khoảng 190.000 du học sinh, trong đó ở Mỹ nhiều nhất - 29.000. Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ hôm 23/3 khuyến cáo công dân Việt Nam hiện cư trú tại Mỹ nên tuân thủ biện pháp phòng chống dịch của nước sở tại, hạn chế tối đa việc di chuyển và về nước trong thời điểm này do rủi ro lây nhiễm trên các phương tiện giao thông công cộng là rất lớn, đồng thời giúp tránh quá tải cho hệ thống y tế trong nước trong giai đoạn khó khăn hiện nay.


Đối với công dân Việt Nam tại Mỹ thực sự có nhu cầu về nước vì lý do bất khả kháng, nếu không còn đường bay để về Việt Nam, Đại sứ quán đề nghị đăng ký nhu cầu. Trên cơ sở thông tin đăng ký, Đại sứ quán sẽ phối hợp với các cơ quan đại diện khác của Việt Nam tại Mỹ chuyển thông tin về cơ quan chức năng trong nước để cân nhắc phương án bố trí đường hàng không (theo các chuyến bay thương mại). Công dân có thể lựa chọn và tự chịu phí vận chuyển của hãng hàng không, chuẩn bị cơ sở vật chất, hậu cần cho việc cách ly tập trung.


Đến sáng 25/3, Covid-19 xuất hiện ở 195 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca nhiễm bệnh là gần 423.000, trong đó, gần 19.000 người tử vong. Mỹ có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới (gần 55.000 ca), chỉ đứng sau Trung Quốc và Italy. Hiện có khoảng 29.000 du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Hầu hết trường đại học ở quốc gia này đã đóng cửa, chuyển sang hình thức học online.

Lao động thất nghiệp vì Covid-19 chật vật mưu sinh

Đại dịch đang khiến nhiều lao động phải nghỉ việc không lương vô thời hạn, trong khi áp lực "cơm áo, gạo tiền" đè nặng họ mỗi ngày.


Trong 3 năm làm giáo viên mầm non ở TP HCM, cô Hoa quê Vũng Tàu chưa bao giờ cảm thấy buồn như lúc này. Hàng ngày cô quen với không khí vui đùa của trẻ nhỏ thì nay phải quanh quẩn ở nhà không biết làm gì. Chưa kể, số tiền dành dụm được đang dần cạn đi khi cô nghỉ không lương đã 2 tháng nay. "Không có thu nhập nhưng tiền ăn uống hàng ngày vẫn phải chi. Chưa kể tiền điện, nước do ở nhà thường xuyên nên cũng trả nhiều hơn", cô nói.


Cô Hoa là giáo viên của trường mẫu giáo tư thục nên khi dịch bệnh bùng phát từ đầu tháng 1 đến nay, cô phải nghỉ vô thời hạn không lương. Hơn 10 giáo viên cùng trường với cô và hàng nghìn cô giáo ở những trường tư thục khác cũng chung cảnh ngộ.


Lê Văn Lộc, sinh năm 1988, bắt đầu công việc hướng dẫn viên du lịch cho Vietravel từ năm 2014. Tour cuối cùng Lộc được phòng hướng dẫn công ty phân công là Phuket, Thái Lan giữa tháng 2 chỉ với 6 khách. Số lượng khách giảm đáng kể, thay vì đi một đoàn lớn trên 20 người như những lần trước. Lộc cho biết, tại thời điểm đó dù có 6 khách thôi nhưng anh cũng thấy may mắn vì được lên đường. Sau đó, anh bắt đầu ở nhà không đi tour vì hầu hết tour đều bị hủy.


Tương tự, Nguyễn Thị Thanh, trưởng phòng quản lý du lịch của một doanh nghiệp lữ hành ở quận Tân Bình cũng chung tình cảnh. Cô cho biết, công ty đã đóng cửa hơn tháng nay. Cũng vì khó khăn do dịch bệnh nên ban lãnh đạo chỉ hỗ trợ một phần lương cho những nhân viên chủ chốt, số còn lại cho nghỉ không lương.


"Cứ ngỡ sẽ nghỉ khoảng 1 tháng là được đi làm trở lại, nhưng tới nay gần 2 tháng trôi qua, Thanh vẫn chưa thấy sếp gọi trở lại công ty. Với tình hình này, nguy cơ nghỉ kéo dài là không tránh khỏi", Thanh lo lắng.


Vì thu nhập hiện nay gần như bằng không, hàng ngày Thanh phải dè sẻn từng đồng trong việc mua thức ăn. Trước đây ăn sáng có thể ra tiệm phở, hủ tiếu... thì nay chỉ qua loa bằng gói mì hoặc củ khoai... Cô cũng nghĩ tạm về quê ở với ba mẹ để tiết kiệm tiền thuê trọ (mỗi tháng vài triệu đồng) và tiền ăn uống hàng ngày, trong lúc chưa biết khi nào mới có thể quay lại công ty.


Hiện nay, do ảnh hưởng của Covid-19, tất cả trường học, trung tâm đều ngưng hoạt động, hàng nghìn doanh nghiệp đang phải cắt giảm quy mô sản xuất, giảm giờ làm. Thêm vào đó, việc TP HCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác cho đóng cửa tất cả nhà hàng, quán ăn, cơ sở làm đẹp, phòng gym nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng, chống dịch. Điều này càng khiến nhiều người rơi vào cảnh mất việc.


Theo dự báo của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, nếu Covid-19 kéo dài, số lao động mất việc có thể lên tới 1,32 triệu người.


Vì rơi vào hoàn cảnh mất việc hoặc nghỉ không lương vô thời hạn, nhiều lao động trong số này đang phải "gồng mình" tìm làm những công việc "tay trái" để mưu sinh cho qua mùa dịch.


Một số người chuyển sang làm đồ ăn bán online, số khác tìm trẻ để trông tại nhà. Riêng cô Hoa, giáo viên mầm non tư thục đang thử sức ở một công ty môi giới bất động sản TP HCM. Cô cho biết phải tìm công việc mới làm để mong kiếm thêm thu nhập duy trì cuộc sống hàng ngày.


"Dù đây chẳng phải là thế mạnh nhưng kiếm một công việc phù hợp trong lúc này khó quá. Tôi đành phải thử sức với một công việc ở lĩnh vực mới toanh. Đây cũng là công việc có nguy cơ tiếp xúc với người lây nhiễm cao nhưng nếu không làm thì chẳng biết lấy đâu ra tiền để duy trì cuộc sống", cô Hoa nói.


Tương tự Hoa, Thanh cho biết đang "học việc" trong lĩnh vực buôn bán. Thanh đang tìm các đầu mối cung cấp khẩu trang để mua đi bán lại cho người tiêu dùng với mong muốn kiếm được ít đồng lời "cầm cự" qua ngày.


Còn với Lộc, anh quyết định xin làm shipper cho Food & Beverage khi quán này chưa có lệnh đóng cửa, tuy nhiên F&B chỉ đưa ra mức lương 2-3 triệu một tháng. Mức lương này rất thấp khiến anh khó xoay sở các mức chi phí sinh hoạt cho gia đình. Vì thế, anh từ chối. Với vốn tiếng anh của mình, Lộc tự tin xin đi dạy kèm nhưng dịch hoành hành, không phụ huynh nào muốn cho trẻ nhỏ tiếp xúc người lạ.


Không thể loanh quanh trong nhà với áp lực tài chính, Lộc và năm đồng nghiệp hướng dẫn của Vietravel quyết định làm shipper giao hàng. Mỗi ngày anh có thể kiếm được từ 500.000 đến 700.000 đồng từ việc giao hàng. Anh thường làm từ 7h30 đến 20h.


"Lộc cho biết trước đó có vay tiêu dùng để trang trải cuộc sống, mỗi tháng phải trả 10 triệu đồng cho ngân hàng. Tuy nhiên, tình hình này, dù thắt chặt chi tiêu tôi vẫn khó xoay sở cuộc sống", Lộc bộc bạch.


Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch TP HCM cho rằng, du lịch đang là ngành chịu thiệt hại nặng nề, 100% doanh nghiệp ngành này đang đứng bên bờ vực khủng hoảng do dịch bệnh. Đây đang là ngành bị tác động dây chuyền từ hướng dẫn viên cho tới quản lý khách sạn, nhà điều hành tour, cửa hàng, nhà hàng, công ty vận tải....


Hiện, công suất phòng của các khách sạn ở Hà Nội, TP HCM bị giảm từ 40% đến 70%. Các điểm đến nghỉ dưỡng trọng điểm như Sapa, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nha Trang hay các công ty lữ hành tại TP HCM, Vịnh Hạ Long cũng ghi nhận sụt giảm khoảng 50-70% công suất so với trước khi dịch xảy ra...


Nói với VnExpress, đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist thừa nhận, kể từ ngày đầu xảy ra dịch bệnh, công ty đã phải hủy toàn bộ các tour đi Trung Quốc. Các tour du lịch nước ngoài đi các tuyến Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. "So với cùng kỳ năm trước, doanh thu của công ty trong tháng 2 giảm 80%, doanh thu tháng 3 giảm 95% và toàn bộ booking đều bị hủy trong tháng 4 và 5", đại diện Saigontourist nói.


Theo các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, dù họ rất muốn hỗ trợ cho người lao động đang nghỉ việc vô thời hạn nhưng "lực bất tòng tâm". Chỉ mong các chính sách hỗ trợ của Nhà nước sớm đến với doanh nghiệp và dịch nhanh chóng qua đi để hoạt động của công ty phục hồi. Lúc đó, người lao động trở lại làm việc và mới mong có thu nhập, cải thiện cuộc sống.


Khó khăn không chỉ bủa vây người lao động, ngay cả chủ doanh nghiệp cũng lao đao. Một giám đốc công ty may mặc ở Đồng Nai đang phải bán từng cái máy may để trang trải chi phí phát sinh của công ty trong lúc mọi hoạt động sản xuất bị ngưng trệ. Rất muốn hỗ trợ cho những công nhân bị nghỉ việc không lương, nhưng ông cho biết không thể làm gì được vì tình cảnh công ty cũng khó khăn, thậm chí nguy cơ phá sản.


Trước những khó khăn của người lao động bị mất việc, các chuyên gia cho rằng, trước mắt Nhà nước có thể giảm áp lực tài chính cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động. Một số ý kiến cho rằng có thể cho chậm quyết toán thuế từ 6 tháng tới 1 năm để người lao động có thể chuyển số tiền đáng ra phải thực hiện nghĩa vụ thuế sang phục vụ chi tiêu cá nhân và gia đình. Bên cạnh đó, việc giảm giá điện, nước, Internet trong bối cảnh người dân phải ở nhà nhiều hơn nhưng thu nhập ít hơn cũng cần được tính đến.


Ngoài ra, các nhà băng nên giảm lãi suất và các khoản phí cho khách hàng, không chuyển nhóm nợ của các cá nhân bị ảnh hưởng vì dịch.


Cuối cùng, cách quan trọng nhất là tạo cơ hội, điều kiện để những lao động mất việc do bị ảnh hưởng dịch sớm tìm kiếm thu nhập khác thông qua sự dịch chuyển công việc tạm thời.

Hybrid Technologies mua lại công ty phần mềm của Dentsu

Doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản hoàn thành thương vụ M&A với Dentsu Techno Camp, sau 4 năm hoạt động.


Tháng 3 vừa qua, Công ty TNHH Hybrid Technologies và Công ty TNHH Dentsu Techno Camp hoàn tất thỏa thuận mua bán và sáp nhập (M&A). Theo đó, Dentsu Techno Camp chính thức trở thành công ty con thuộc sở hữu của Tập đoàn Hybrid Technologies dưới tên mới là Hybrid Techno Camp (HTC).


Dentsu Techno Camp ra đời năm 2017, chuyên về lập trình và phát triển đội ngũ kỹ sư phần mềm của Dentsu, nhằm củng cố năng lực marketing trực tuyến của tập đoàn này. Mục tiêu của Dentsu Techno Camp là phát triển các nhân sự tài năng trong khu vực ở các chuyên môn như trải nghiệm người dùng, thiết kế và lập trình.


Theo Hybrid Technologies, thương vụ M&A nhằm mở rộng thị phần của công ty vào lĩnh vực marketing số và chuyển đổi số. "Việc kết hợp các giải pháp sẵn có mà Dentsu Techno Camp sở hữu cùng dịch vụ Outsourcing (gia công phần mềm) mà Hybrid Technologies cung cấp sẽ mang đến nhiều lợi thế lớn, gia tăng năng lực cạnh tranh trong ngành", đại diện Hybrid Technologies cho hay.


Thông qua phát triển công nghệ, công ty này bày tỏ mong muốn trở thành cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam, chuẩn bị cho mục tiêu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, Nhật Bản thời gian tới.


Tại Việt Nam, Hybrid Technologies có quy mô tăng trưởng cao hàng năm. Hai năm liên tiếp, doanh nghiệp này vào Top 15 công ty công nghệ thông tin tốt nhất Việt Nam do website ITviec xếp hạng, dựa trên những đánh giá khách quan về môi trường làm việc.


Với sứ mệnh xây dựng công ty - nơi mọi người đều cảm thấy hạnh phúc, Hybrid Technologies đưa ra chế độ lương, đãi ngộ và phụ cấp hấp dẫn. "Chúng tôi thường xuyên tổ chức lớp kỹ năng ngoài giờ, tặng nhân viên những chuyến du lịch miễn phí, tổ chức hoạt động nội bộ tạo gắn kết, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân viên, qua đó thu hút và giữ chân nhân tài", đại diện công ty cho biết.


Hybrid Technologies thành lập năm 2016, tiền thân là Evolable Asia Solutions với trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản. Trong năm 2019, công ty có hai thương vụ mua lại Japan Tech và Evolable Asia.


Sau 4 năm hoạt động, Hybrid Technologies có hai văn phòng ở Nhật Bản và ba văn phòng tại Việt Nam với số lượng nhân viên 700 người. Công ty đạt nhiều thành tích với các dự án trong lĩnh vực công nghệ hybrid, ứng dụng Blockchain và trí tuệ nhân tạo...


Với thương vụ sáp nhập này, Hybrid Technologies kỳ vọng tiếp tục nâng cao vị thế trong ngành, đem đến những đổi mới, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số toàn cầu. Doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu trở thành công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực phát triển phần mềm tại châu Á và tiến tới toàn thế giới trong tương lai.